Ngoại khoa

1. BỆNH TRĨ

1.2. Y HỌC CỔ TRUYỀN
1.2.1. Đại cương:
          Trĩ là một bệnh mạn tính do tình trạng sa giãn tĩnh mạch hậu môn trực tràng không hồi phục. Tuỳ vị trí gốc búi trĩ trên lâm sàng phân thành trĩ nội hay trĩ ngoại.
1.2.2. Bệnh danh: Trĩ sang, Trĩ hạ
1.2.3. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
          - Phát sinh bệnh trĩ không chỉ do bệnh lý tại chỗ mà còn do yếu tố toàn thân như âm dương thiếu cân bằng, tạng phủ, khí huyết hư tổn, cùng với thấp, nhiệt, phong, táo ( tứ tà tương hợp), ăn uống, nghề nghiệp...gây ra.
          - Thấp nhiệt: gây lỏng, lỵ, rặn nhiều.
          - Tràng táo: thấp nhiệt ở đại trường lâu ngày, làm thương âm, tân dịch hư hao, huyết nhiệt, nhiệt bức huyết vọng hành sinh chảy máu.
          - Khí hư hạ hãm.
          - Các yếu tố khác như: ăn uống mất điều hòa hay ăn thức ăn cay nóng, nghề nghiệp, phụ nữ chửa đẻ nhiều kiêng khem quá mức...
1.2.4. Các thể lâm sàng:
1.2.4.1. Thể thấp nhiệt ở đại trường:
                    * Chứng trạng:
          Đại tiện ra máu, sắc đỏ tươi, số lượng nhiều hoặc ít, trĩ sa theo độ, đau nóng rát hậu môn, đại tiện táo hoặc đau quặn bụng, mót rặn đại tiện bí khó đi, tiểu tiện vàng, sẻn. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch huyền, tế, sác.
          * Pháp điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp, lương huyết chỉ huyết.
          * Bài thuốc: Hòe hoa tán ("Bản sự phương") gia giảm.
- Hòe hoa
15g
- Kinh giới tuệ
10g
- Chỉ xác
10g
- Trắc bá diệp(sao cháy)
10g
- Hoàng bá
10g


* Ý nghĩa bài thuốc:
          Hòe hoa thanh thấp nhiệt ở đại trường, lương huyết chỉ huyết. Trắc bá diệp giúp cho Hòe hoa tăng cường tác dụng chỉ huyết. Kinh giới tuệ sơ phong thanh nhiệt chỉ huyết. Chỉ xác hạ khí khoan trường. Hoàng bá thanh nhiệt lợi thấp.
1.2.4.2. Thể tỳ hư không nhiếp huyết:
* Chứng trạng:
Đại tiện ra máu tươi, sắc nhạt màu, lượng có thể nhiều ít khác nhau, kèm theo sắc mặt kém tươi nhuận, hồi hộp mệt mỏi, ăn ngủ kém, phân táo lỏng thất thường, trĩ sa. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng; mạch tế vô lực.
          * Pháp điều trị: Ích khí nhiếp huyết
         
* Bài thuốc: Quy tỳ thang ("Tế sinh phương") gia giảm.
- Hoàng kỳ
30g
- Đẳng sâm
20g
- Bạch truật
12g
- Bạch linh
12g
- Đương quy
12g
- Trần bì
05g
- Mộc hương
10g
- Tiên hạc thảo
30g
- Chế hoàng tinh
30g
- Cam thảo chích
04g
- Long nhãn
10g
- Toan táo nhân
10g
- Viễn chí
04g


* Ý nghĩa bài thuốc:
          Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Bạch linh ngọt ấm bổ Tỳ ích khí. Đương quy dưỡng can sinh tâm huyết. Mộc hương, Trần bì lý khí hòa vị. Táo nhân, Viễn trí, Long nhãn để dưỡng tâm huyết, an thần. Tiên hạc thảo, Hoàng tinh cùng dùng bổ khí, dưỡng âm, sinh tân.
1.2.4.3. Thể khí hư hạ hãm:
          * Chứng trạng:
          Thường gặp ở bệnh nhân có tuổi, mắc bệnh lâu ngày, trĩ sa không tự co, kèm theo sa niêm mạc trực tràng. Chảy máu tươi khi đại tiện ít hơn, sắc nhạt màu, kèm theo tinh thần mệt mỏi suy nhược, hụt hơi, ngại nói, sắc mặt kém tươi nhuận, hồi hộp, váng đầu, ăn ngủ kém, đại tiện phân nát, tiểu tiện trong dài; Chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch trầm tế nhược.
          * Pháp điều trị: Ích khí dưỡng huyết, thăng đề cố nhiếp.
          * Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang (Tỳ vị luận) gia giảm
- Hoàng kỳ
30g
- Chích cam thảo
05g
- Đảng sâm
15g
- Đương quy
12g
- Trần bì
06g
- Thăng ma
10g
- Sài hồ
08g
- Bạch truật
12g
- Địa du sao đen
08g
- Hòe hoa sao đen
08g
- Kinh giới sao đen
12g


          * Ý nghĩa bài thuốc:
          Hoàng kỳ cùng với Sâm cam ôn ích  khí. Hoàng kỳ phối hợp Sài hồ, Thăng ma để thăng dương ích khí. Bạch Truật, Cam Thảo, Trần bì để kiện tỳ ích khí. Đương quy để dưỡng huyết hòa trung. Hòe hoa, Kinh giới, Địa du sao đen để chỉ huyết
1.2.5. Các phương pháp khác:
1.2.5.1. Điều trị trĩ bằng bôi khô trĩ tán:
          Đây là bài thuốc thừa kế nghiên cứu ứng dụng từ những năm 1957 tại Viện Y học cổ truyền Việt Nam chỉ định điều trị cho trĩ nội độ II, độ III đơn thuần. Hai loại khô trĩ tán A và khô trĩ tán B có Thạch tín dễ gây độc cho cơ thể và đau nhiều, hiện nay dùng khô trĩ tán C thành phần: Nha đảm tử, Đởm phàn, Khô phàn, Ô mai, Băng phiến, Novocain...
          Bôi khô trĩ tán C lên bề mặt, khe kẽ các búi trĩ sau khi tiêm Novocain 3% + cồn 900. Hàng ngày bôi thuốc 1 lần sau khi ngâm rửa sạch hậu môn trong 7 - 10 ngày búi trĩ rụng hoại tử, bôi cao sinh cơ, vết thương liền nhanh do niêm mạc hậu môn tự tái tạo.
1.2.5.2. Điều trị trĩ bằng phương pháp tiêm xơ:
          Hiện nay có nhiều loại thành phần kết hợp thuốc tân dược và đông dược tiêm xơ điều trị bệnh trĩ như dung dịch PG60 của thành phố Hồ Chí Minh, dung dịch tiêu trĩ của Viện Y học cổ truyền Quân đội.
          - Kỹ thuật tiêm: Tiêm theo 4 điểm đến lớp dưới niêm mạc, vào chân búi trĩ, tránh tiêm sâu vào lớp cơ gây hoại tử lan rộng, sâu và đau.
          - Kết quả điều trị tốt đối với trĩ nội độ II chảy máu nhiều.
1.2.5.3. Thắt trĩ theo phương pháp kết hợp YHCT - YHHĐ ở Viện Y học cổ truyền Quân đội
- Chỉ định cho trĩ nội độ I, II, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại.
          - Tiến hành thủ thuật theo 5 thì, tiêm dung dịch khô trĩ vào búi trĩ đã thắt, cắt đỉnh búi trĩ hình hoa khế giải phóng dung dịch khô trĩ - bôi cao sinh cơ - đẩy vào ống hậu môn.
          - Thay băng, ngâm rửa, bơm cao sinh cơ vào ống hậu môn hàng ngày; sau 7 - 10 ngày trĩ rụng, không để lại di chứng tại hậu môn.
1.2.6. Thuốc dùng ngoài:
- Thuốc ngâm trĩ (Bột Tam hoàng)
          Thành phần:  + Hoàng liên           05g               + Hoàng bá   10g               + Hoàng đằng 20g
                                        + Đại hoàng            08g               + Phèn phi    05g
          Đun sôi với 2 lit nước sau còn 1,5 lit dung dịch, ngâm ngày 2 lần; thời gian 5 - 10 phút hoặc tán thành bột pha với nước sôi để ấm ngâm tại chỗ.
- Cao sinh cơ:
          Thành phần chủ yếu: Nghệ, Quy vĩ, lá Phù dung, Hoàng bá, Ngưu tất, Thổ phục linh...dầu thực vật, Vadơlin hoặc Sáp ong nấu thành cao đặc đóng tuýp 20g, có đầu ambu bằng nhựa mềm tiện sử dụng.
1.6. Phòng bệnh:
- Điều trị ổn định những bệnh thuộc hệ tiêu hóa như: hội chứng lỵ, viêm đại tràng mãn tính, rối loạn tiêu hóa kéo dài...
- Điều trị tốt một số chứng bệnh tại chỗ và toàn thân có liên quan đến phát sinh bệnh trĩ như các khối u tiểu khung, tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
- Chế độ ăn, hạn chế ăn thức ăn cay nóng, tăng cường thức ăn mát bổ và nhuận tràng, uống nhiều nước, chế độ sinh hoạt điều dộ, tránh thói quen nín nhịn đại tiện.
- Tập luyện: tập dưỡng sinh, tập xoa bụng giúp cho nhu động ruột và tiêu hóa tốt, tạo điều kiện cho việc đại tiện thông thoát.


BÀI 2  SỎI ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
-   Sỏi đường tiết niệu thuộc phạm vi chứng Sa lâm, Thạch lâm của YHCT. Gồm các triệu chứng chủ yếu: đau bụng, đau lưng, tiểu tiện ra máu, tiểu tiện khó, …
-   Nguyên nhân do thấp nhiệt kết ở hạ tiêu, làm cặn nước tiểu đọng lại, nhỏ gọi là Sa, to gọi là Thạch. Sa và Thạch làm trở ngại đến việc bài tiết nước tiểu gây ra tiểu tiện khó, ứ lại gây đau. Thấp nhiệt còn gây sốt, huyết ứ trệ gây chảy máu
1. Thể thấp nhiệt
-   Tương ứng với sỏi đường tiết niệu kèm theo bội nhiễm đường tiết niệu
Triệu chứng: bụng, lưng đau kịch liệt lan lên vùng hạ vị hay lan xuống bộ phận sinh dục, đái nhiều lần, mót đái, đái đau, nước tiểu xuống không hết thường kèm theo đái ra máu, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày, dính, mạch huyền sác hay hoạt sác
Pháp: Thanh nhiệt lợi thấp, bài thạch
Phương: Bài 1: Kim tiền thảo 40; Sa tiền 20; Trạch tả 12; Ngưu tất 12; Kê nội kim 8; Tỳ giải 20; Uất kim 12
Bài 2: Đạo xích tán gia giảm (Sinh địa 16; Đạm trúc diệp 16; Mộc thông 8; Cam thảo sao cháy 8; Kim tiền thảo 40; Sa tiền 20; Kê nội kim 8). Nếu đái ra máu → thêm Cỏ nhọ nồi 16; Tiểu kế 12. Nếu đau nhiều → thêm Ô dược 8; Diên hồ sách 8, Uất kim 8)
Châm cứu: Châm kích thích mạnh, ngày 1 lần. Chọn huyệt tuỳ vị trí của sỏi trên đường tiết niệu
-   Sỏi thận và đoạn trên của niệu quản: châm Thận du, Kinh môn, Túc tam lý
-   Sỏi niệu quản (đoạn dưới), sỏi bàng quang: châm Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Bàng quang du, Túc tam lý
Nhĩ châm: các vị trí Giao cảm, Thận, Bàng quang
2. Thể ứ trệ
-   Tương ứng với các trường hợp sỏi gây xung huyết, chảy máu nhiều
Triệu chứng: đau lưng liên miên, đau tức, vùng hạ vị đầy trướng đau, tiểu tiện khó không dứt, tiểu tiện ra máu hoặc ra máu cục, chất lưỡi đỏ có điểm ứ huyết, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền sác.
Pháp: Lý khí hành trệ, hoạt huyết thông tiểu
Phương: Bài 1: Kim tiền thảo 40; Sa tiền 20; Đào nhân 8; Uất kim 8; Ngưu tất 12; Chỉ xác 8; Đại phúc bì 8; Kê nội kim 8; Ý dĩ 16
Bài 2: Tứ vật đào hồng thang gia giảm (Sinh địa 16; Bạch thược 12; Xuyên khung 12; Đương qui 12; Đào nhân 8; Hồng hoa 8; Chỉ thực 8; Đại phúc bì 12; Uất kim 8; Kê nội kim 8; Liên kiều 12)
Châm cứu: Châm kích thích mạnh, ngày 1 lần. Chọn huyệt tuỳ vị trí của sỏi trên đường tiết niệu
-   Sỏi thận và đoạn trên của niệu quản: châm Thận du, Kinh môn, Túc tam lý
-   Sỏi niệu quản (đoạn dưới), sỏi bàng quang: châm Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Bàng quang du, Túc tam lý
Nhĩ châm: các vị trí Giao cảm, Thận, Bàng quang
3. Trường hợp sỏi tiết niệu không có cơn đau, không tiểu tiện ra máu, không tiểu tiện buốt và rắt → uống thường xuyên các vị thuốc bổ tỳ, bổ thận phối hợp với các vị thuốc lợi niệu làm sỏi tiêu dần hoặc bài tiết ra ngoài
Phương: Bài 1 (Đẳng sâm 16; Bạch truật 8; Sa tiền 16; Ý dĩ 12; Ba kích 8; Phục linh 8; Trạch tả 12; Kim tiền thảo 24; Thỏ ty tử 8; Ngải cứu 16)
Bài 2: Kim tiền thảo 40; Kê nội kim 8; Ngải cứu 16
Bài 3: Lợi niệu bài thạch thang (Kim tiền thảo 20; Sa tiền tử 20; Bạch mao căn 20; Ý dĩ 12)